1. Chùa Ông Sộp ở xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương, xưa là xã Ngọc Lập, là nơi thờ đức thánh Liễu Nghị. Thần tích ở đây kể:
“Ngài là sao Liễu giáng sinh. Đức thánh phụ là Liễu Phong, đức thánh mẫu là Hán Thị Miên. Ngày học ông Hàn Tỉnh tiên sinh. Ngài có phép phù thủy, lúc bấy giờ ngài chưa đỗ, ngài đi chu du sơn thủy, gặp một người thiếu nữ kêu khóc ở trong rừng,vừa khóc vừa lậy nói rằng:
Thiếp là con gái vua Động Đình, bị giáng làm người dương thế, lấy Hồ Nghi người Kinh Diên, có vợ bé là Thị Chi. Thị Chi dụng tình làm thư giả nói với chồng là Hồ Nghi rằng thiếp có ngoại tình cho nên người chồng đem đày ở trong rừng này, bắt nuôi dê bao giờ dê đực đẻ mới được về. Thiếp xin viết 1 bức thư nhờ lang quân đem xuống Động Đình, cứ đi đến bên sông Hoàng Giang thấy có cây quất, lang quân đánh vào cây quất 3 tiếng tự nhiên ứng hiện.
Ngài đến bến sông Hoàng Giang cầm thư đánh vào cây quất, quả nhiên thấy đền đài lầu các, đền gọi là đền Hư Linh Đài, chỗ ăn, chỗ ở lạ khác dương trần, thấy vua Động Đình ngồi chỉnh tọa, tay cầm ngọc khuyên. Bấy giờ ngài dâng thư vào. Vua Động Đình xem thư sai Xích Lân Đại tướng đến chỗ sơn lâm đón con gái về, rồi mở tiệc yến. Vua Động Đình cho kết làm vợ chồng nhưng ngài không nghe, từ chối xin để sau này sẽ hay. Vua Động Đình tặng kim ngân châu ngọc cũng không lấy. Bấy giờ vua Động Đình sai Xích Lân Đại tướng tiễn ngài về dương trần. Lúc bấy giờ con gái vua Động Đình tiễn ngài ra ngoài Bích Vân cung, có cầm lấy tay ngài đọc bài thơ lưu luyến.
Thiếp nay thoát khỏi kiếp chăn dê
Nhờ ơn sâu nặng báo Thủy Tề
Đức lớn biết bao giờ đền đáp
Nguyện đem tấm thân theo chàng về.
Ngài lại đọc một bài thơ rằng:
Bích Vân lời ấy xin nàng nhớ
Mãi với non cao cùng biển xanh
Một dải âm dương chia tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh.
Thơ rồi đức bà về long cung, đức ông về dương thế.
Một thời gian sau, Liễu Nghị làm quan, nhân buổi thanh nhàn, ra bến Nhị Hà, chu du sông nước, gặp cô lái đò, đúng thực người xưa, kết duyên chồng vợ. Trời đất tối đen, mưa gió bão bùng, người chết của mất, Liễu Nghị tướng quân, lập đàn trị thủy tại xã Ngọc Lạp, nay chính chùa Sộp, Thủy Tiên công chúa, Xạ thư cầu đảo bên làng Nhữ Xá, nay là chùa Dựa, ba ngày linh ứng, trời quang mây tạnh, nhân dân phấn khởi, trở lại cuộc sống, như lúc ban đầu. Ông Sộp bà Dựa, âm dương xung khắc, thủy hỏa không đồng, mỗi người một phương, tu rồi hiển Thánh, hai thôn lập đền, phụng thờ đến nay."
Sự tích Liễu Nghị ở Thanh Miện, Hải Dương không chỉ dừng lại ở việc Liễu Nghị cứu được người con gái con vua Động Đình mà còn cho biết ông có thuật “phù thủy" và có phép trị thủy chống lũ lụt.
Đôi câu đối ở chùa Ông Sộp nói về thánh Liễu Nghị:
Tác vũ hưng vân thiên hữu hạn
Xạ thư trị thuỷ địa vô hồng.
Nghĩa là:
Khởi tạo mây mưa trời còn hạn
Bắn thư trị thủy đất không tràn.
Câu đối nhắc lại tích Liễu Nghị cùng Thần Long đã viết thư gửi xuống Thủy phủ để làm cạn nước chống lũ lụt. Chi tiết đặc biệt này đã cho phép xác định Liễu Nghị chính là Tản Viên Sơn Thánh, người dùng cuốn sách ước trị cơn hồng thủy thời mở nước.
Liễu Nghị gặp Thần Long bị đày đi chăn dê ở Đồng Dã là chuyện Tản Viên Sơn Thánh cứu con rắn, con của Long Vương Động Đình bị lũ trẻ chăn trâu đánh chết bên bãi Trường Sa trong ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh (Tản Lĩnh ngọc ký). Cũng giống như truyện Liễu Nghị, sau khi cứu được con vua Thủy tề, Sơn Thánh đã rẽ nước xuống Thủy phủ gặp Động Đình Đế quân và được tặng một cuốn sách ước thần kỳ. Lúc ra về, Thái tử Long cung tiễn Sơn Thánh tới tận bãi Trường Sa và để lại lời thơ đầy xúc động. Đặc biệt bài thơ này trong Tản Lĩnh ngọc ký lại có 2 câu thơ trùng khớp với bài thơ của Liễu Nghị đọc khi chia tay Thủy Tiên Công chúa:
Không gặp làm sao có kiếp sinh
Khi đi là nghĩa về là tình
Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
Trở lại cung rồng khách chẳng đành
“Một dải âm dương đôi tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh"
Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
Tương tư chốn ấy bởi xa tình.
Xem thêm một đôi câu đối khác ở chùa Ông Sộp:
Thiên độc ký Động Đình, tuyết áng vân cung thuỷ phủ
Thốn thư truyền lạo xứ, ba bình hải đạo Hồng Châu.
Nghĩa là:
Thẻ trời gửi Động Đình, tuyết phủ cung mây thủy phủ
Tấc sách truyền vùng ngập, sóng lặng ven biển Hồng Châu.
Câu đối nhắc tới 2 lần truyền thư của Liễu Nghị. Lần thứ nhất là bức thư dạng thẻ được Thủy Tiên Công chúa gửi xuống cho vua cha Động Đình. Lần thứ hai là một đoạn thư thả về Thủy phủ khi ông bà đi chống lụt ở đất Hồng Châu. So sánh với Tản Lĩnh Ngọc Ký có thể thấy rõ “thiên độc" (thẻ trời) và “thốn thư" (tấc sách) trong sự tích Liễu Nghị tương đương với cây Gậy thần và cuốn Sách ước, là 2 pháp khí của Sơn Thánh đã dùng khi trị thủy. “Thư sinh" Liễu Nghị dùng “thư sách" không phải để học hành thi cử, mà là để làm phép “phù thủy" trong công cuộc chống lại thiên tai, an dân lập quốc.
Trong thư tịch cổ cũng đã từng có việc đồng nhất Liễu Nghị là Kinh Dương Vương. Sách Nam sử, một cuốn sử không rõ tác giả, chép: "Kinh Dương Vương đi tuần thú Nam Hải, gặp một người chăn dê, nói mình là con thứ của Động Đình Quân gọi là Thần Long, bị Kinh Xuyên ruồng bỏ. Kinh Dương Vương bèn lấy Thần Long làm Nguyên phi, một năm sau, sinh hạ được một con trai gọi là Sùng Lãm. Kinh Dương Vương sống hơn trăm tuổi, bèn phong Sùng Lãm làm Lạc Long Quân, nối trị phương Nam. Kinh Dương Vương và Thần Long bèn cưỡi rồng lên trời".
Từ nhận định rõ ràng về thời kỳ Hùng Vương Thánh Tổ khai dân lập quốc thì truyện Liễu Nghị truyền thư, Tản Viên Sơn Thánh cứu Thủy Tinh Động Đình hay Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ lấy mẫu Thần Long nay đã có thể hiểu như sau. Vào thời Đế Nghi, chính dòng Viêm tộc từ Đế Minh, đang làm chủ thiên hạ. Dòng thứ lúc này là Tiên tộc từ bà Vụ Tiên đã gây mâu thuẫn làm cho Đế Nghi đuổi dòng Long tộc Động Đình đi. Thần tích ở Thanh Miện kể thành Hồ Nghi ở Kinh Diên (Kinh Xuyên) nghe lời người thiếp Thị Chi (Thảo Mai) đày Thần Long đi chăn dê (bị nhốt vào cũi trong rừng).
Sự tích và tín ngưỡng thánh Liễu Nghị trị hồng thủy ở Hải Dương là câu chuyện thật sự về Kinh Dương Vương - Tản Viên Sơn Thánh khai mở vùng ven biển, thống nhất 4 tộc người ở bốn phương, lập nên nước Xích Quỷ và khởi đầu thời kỳ cha truyền con nối trong lịch sử Hồng Bàng - Viêm Bang của người Việt.
Chùa Ông Sộp xã Tân Trào vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa ngày 07 tháng 02 năm 2005
2. Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Từ Ô và cây di sản văn hóa Việt Nam có tuổi đời trên 300 năm.
Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Từ Ô tọa lạc trên thể đất trường thủy long quần, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên khá đẹp bởi các cây cổ thụ, cây đa, cây duối có tuổi đời trên 300 năm đã được hội bảo vệ di sản thiên nhiên Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam năm 2015.
BẰNG CÔNG NHẬN CÂY ĐA (TỪ Ô) CÂY DI SẢN VN.pdf
BẰNG CÔNG NHẬN CÂY DUỐI (TỪ Ô) CÂY DI SẢN VN.pdf
Khu di tích lich sử văn hóa Đền Từ Ô tôn thờ anh em họ Lý là Lý Uy, Lý Vũ, Lý Hồng Nương, di tích còn phối thờ cụ Trần Văn Hoán tiến sỹ thời Hậu Lê. Đặc biệt hai vị Thành Hoàng là Lý Uy và Lý Vũ đã có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước vào thế kỷ thứ X. Do có công lao với nước Thờ vua Trung Nghĩa sau khi hóa vào ngày 17/2, hai Ngài được Vua phong " Đường Cảnh Thành Hoàng Nghỉ Nguyên Đại Vương Và Đường Cảnh Thành Hoàng Phúc Tháng Đại Vương" về sau được phong Mỹ Tự " Thượng Đảng Thán", trải qua nhiều triều đại phong kiến các ngài được ban sắc phong, hiện nay di tích còn lưu giữ 8 đạo sắc từ đời Tư Đức đến thời Khải Định, thân thế và sự nghiệp của các Ngài được ghi trong Thần tích sắc phong câu đối đại tự và lưu truyền trong nhân dân, khu di tích lịch sử văn hóa Đền Từ Ô năm 2016 thuộc quần thể di tích lịch sử xã Tân Trào vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa và giao Ủy ban nhân dân xã Tân Trào là chủ thể quản lý nhà nước về việc bảo tồn, lưu giữ di tích lịch sử văn hóa này, để quần thể di tích lịch sử văn hoá Đền Từ Ô mãi mãi trường tồn.
BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH DỬ ĐỀN TỪ Ô.pdf
3. Đình làng An Xá thuộc quần thể di tích lịch sử xã Tân Trào vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.
Đình làng hai chữ gần gũi và thân thương đối với mọi người dân đất Việt, là biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã Việt Nam, nó đã đi vào tâm thức của mọi người dân đất Việt, đi vào trong văn học, sử sách và thi ca rất đa dạng, phong phú và rất đỗi tự nhiên, là biểu hiện rất đặc trưng trong văn học dân gian về làng quê. Cái nôi đưa ta đi đến những chân trời mới và chào đón ngày ta trở về quê hương, bản quán. Với hình ảnh “cây đa, giếng nước sân Đình", là sản phẩm của dân tộc Việt mà không có bất kỳ cư dân nào trên thế giới có được. Nếu ví văn hóa làng xã Việt Nam như một bức tranh thủy mạc với đầy đủ những yên bình, dung dị thì Đình làng chính là nét chấm phá đặc sắc nhất. Người Việt muốn dựa vào tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng làm bệ đỡ tinh thần cho mình, bởi vậy, họ sáng tạo ngôi Đình để đề cao tín ngưỡng thờ cúng của mình. Nơi đây là trung tâm văn hóa tâm linh, thờ tự các vị thành hoàng hoặc các vị thần để các ngài che chở, độ trì cho nhân dân, như cổ nhân có câu rằng “Đình chùa là bùa làng". Đình làng còn là biểu tượng quyền lực của làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng, nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, là nơi quyết định những hương ước của làng để quản lý và giáo dục người dân. Đình chùa còn là nơi để con người ta tu dưỡng, hướng tới những điều thiện nhân và loại trừ cái ác, độc và tạo nên một thế cân bằng cho tâm hồn người Việt trong khủng hoảng tinh thần của xã hội, để người Việt Nam luôn là người Việt Nam.
Trong cuốn sách lịch sử “Đất và người Thanh Miện", Nhà Xuất Bản chính trị quốc gia sự thật xuất bản năm 2020, Đình làng An Xá được xây dựng cách đây khoảng gần ba thế kỷ thờ sáu vị thành hoàng làng, trong đó có năm vị thiên thần và một vị nhân thần. Các vị thiên thần đó là:
Ngài Thái thượng Lão quân: theo truyền thuyết, ngài sống vào thế kỷ Vi trước công nguyên thời Bách gia chư tử và thời chiến quốc, Lão Tử được cho là người viết đạo đức kinh Mạc dù triết lý của ngài chủ trương vô thần, nhưng về sau biến đổi thành một tôn giáo thờ cúng thần tiên luyện thuật trường sinh với rất nhiều phép thuật.
Ngài Ngọc hoàng Thượng đế là vị vua tối cao của bầu trời là chủ của thiên Đình, trong quan niệm của người người Việt Nam và người Trung Quốc và Triều tiên, ngài được cho là người sáng lập ra thiên Đình, là người cai quan trên tầng trời thứ 2 trong 33 cõi trời, điều này càng làm tôn quý địa vị của ngài trên cung trời đao lợi.
Ngài Thiên Lôi chi thần là vị thần từ trên thiên Đình là đồ đệ của Ngọc hoàng thượng đế, người có sức mạnh siêu phàm, xuống hạ giới để trừng trị kẻ có tội, cứu giúp dân lành.
Ngài Thủy phủ Long vương chi thần và ngài Thiên sư Chính Nhất Tĩnh Ứng Hiển Hựu Chân Quân Trương thánh chi thần là hai vị thần được thờ theo tín ngưỡng dân gian.
Thành hoàng làng là ngài Trần Điển Công, hiệu là Bát vị Đại vương, là tướng quan của nhà Tây Sơn (Quang Trung Nguyễn Huệ) quê ở làng Đậu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau khi đánh trận đã về đây khai sáng thôn trang, quy dân lập ấp lập lên làng An Xá xưa và nay.
Do uy linh và công tích của các ngài, hằng năm, Đức vua của các triều đại phong kiến nhà nguyên thế kỷ 18; 19 đều phong sắc cho các ngài tước “Dực bảo Trung Hưng Trung đẳng thần" để nhân dân thờ cúng. đây là một danh hiệu tôn quý được Vua ban để tôn vinh các vị thành hoàng và thánh thần. Hiện dân làng còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong vào năm Tự Đức 6 (1853); Năm Đồng Khánh 2 (1887); năm Thành Thái 1 (1889); và năm Duy Tân 3 (1909). Nội dung các đạo sắc đều nêu rõ công tích của các vị thần có công giúp nước, giúp dân, linh ứng lừng lẫy; ban phước, ban lộc cho dân lành; diệt ác trừ gian; tạo nên mưa thuận gió hòa, làm cho mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển nhân dân no ấm. Hằng năm cứ vào ngày mồng tám tết nhân dân mở hội tế cầu may, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho nhân dân đắc tài, sai lộc, cầu cho con cháu trong làng học hành đỗ đạt, hiển vinh. Những bài tế trong ngày hội làng của các bộ lão làm tái hiện cho nhân dân hiểu được lễ nghĩa với thánh thần. Nhân dân còn tổ chức rước ngài quanh làng để các ngài ban tài, phát lộc cho mọi người, mọi gia Đình; con cháu của làng dù đi đâu, ở đâu cũng về tụ hội và đón nhận phước lộc. Những hoạt động tế, rước trong ngày lễ hội là nét văn hóa phi vật thể có tác dụng giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cần được bảo tồn, lưu giữ.
Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, quần thể di tích Đình An Xá được xây dựng trên thế đất voi phục, tứ phương long chầu, có tiền chu tước minh đường rộng lớn thanh quang, hậu huyền vũ vững chãi, tả thanh long, hữu bạch hổ hài hòa âm, dương. Hướng Đình là hướng nam là hướng tốt mà các Đình làng Việt Nam thường đặt. Từ hàng ngàn năm nay các cụ ta đã rất coi trọng phong thủy, thế đất và hướng Đình tốt, xấu có thể tác động đến thịnh suy, lành dữ của cả làng. Điều đó nói nên việc đặt đúng hướng Đình là rất quan trọng. Có thể nói thế đất và hướng Đình An Xá được các cụ xưa đặt theo hướng chính nam là hướng rất tốt, rất hợp phong thủy, qua đó đã khẳng định sự trường tồn và phát triển của Làng An Xá từ nhiều năm nay. Đình được cấu trúc bởi nhiều hạng mục gồm: ngôi Đình chữ (Tam) có Đại Đình, Trung tế và Hậu cung; hai bên Đình có hai miếu, miếu bên tả thờ ngài Thiên Lôi chi thần, bên cạnh là giếng ngọc, miếu bên hữu thờ thành hoàng. Các hạng mục, công trình đều được xây dựng bằnggỗ lim với kiến trúc điêu khắc, chạm trổ rồng, phượng sắc sảo, tinh tế vừa đại diện cho cái chung vừa gắn với từng giai đoạn hình thành và phát triển riêng biệt của làng An Xá. Chứng tích về kiến trúc hiện vẫn còn lưu giữ được tại ngôi miếu cổ thờ ngài Thiên Lôi Chi Thần với nhiều nét hoa văn trạm trổ các linh vật sắc sảo mà nhiều nghệ nhân ngày nay không thể làm được.
Nhân dân làng An Xá từ nhiều thế hệ luôn tự hào về một làng quê có ngôi Đình đặc biệt quý giá. Tương truyền có lần nhà vua đi qua thấy Đình thờ các vị thiên thần là các bậc tôn quý trên thiên Đình và Tứ hải Long vương, thấy linh ứng, đã ban tặng 4 chữ trên bức đại tự đó là “Ngọc Bảo linh từ" dịch nghĩa là ngôi đền linh thiêng và quý như ngọc. Các cụ xưa còn truyền lại rằng: người dân khi đi qua cửa Đình phải ngả mũ, nón; quan tri huyện đi qua cũng phải xuống ngựa, nếu không sẽ bị trừng phạt, trong làng có đám ma không được đi qua cửa Đình.
Trong các cuộc kháng chiến chống pháp, Chùa làng là đại bản doanh của Trung đoàn 42 một đơn vị anh hùng trong thời kỳ chống pháp; Đình là nơi hoạt động của du kích lãnh đạo nhân dân chống tề, bảo vệ dân làng, là trạm quân y chữa bệnh cho các thương, bệnh binh; là nơi chính quyền phát động nhân dân trong làng đứng lên kháng chiến hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chi Minh năm 1946. Sau khi cách mạng thành công, Đình còn là trụ sở làm việc của UBND xã Tân Trào, nơi diễn ra các đại hội Đảng bộ Tân Trào quyết định những vấn đề chiến lược của Đảng, Chính quyền địa phương; và là nơi dạy học cho nhân dân, phong trào bình dân học vụ cũng được phát triển từ nơi này, từng bước xóa nạm mù chữ trong nhân dân. Nhiều thế hệ con em trong làng trưởng thành từ những lớp học của chính ngôi Đình này, nhiều người trở thành cán bộ cấp cao trong quân đội, có người trở thành dũng sĩ diệt mỹ, sĩ quan cấp tướng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp.
Ngôi Đình linh thiêng là vậy. Tuy nhiên, do phong hóa của thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên và những thăng trầm của lịch sử mà quần thể Đình làng không còn nguyên vẹn, duy còn lại miếu thờ ngài Thiên Lôi chi thần và đây cũng là chứng tích để quần thể di tích này được cấp có thẩm quyền xem xét công nhận xếp hạng di tích lịch sử. Đến năm 1995, do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, ngôi Đình được trùng tu lần thứ nhất. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ có nhiều khó khăn, vật liệu khan hiếm nên chỉ làm được ngôi Đình dạng nhà cấp 4 để làm nơi thờ tự đến nay cũng đã và đang xuống cấp.
Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ năm khóa VIII, với chủ đề giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, bảo tàng những di tích lịch sử văn hóa.
Ngày 12 tháng 4 năm 2010 Đình làng An Xá thuộc quần thể di tích lịch sử xã Tân Trào vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa và giao Ủy ban nhân dân xã Tân Trào là chủ thể quản lý nhà nước về việc bảo tồn, lưu giữ di tích lịch sử văn hóa này, để quần thể di tích Đình làng An Xá mãi mãi trường tồn.